Tiểu sử Máctinô Tạ Đức Thịnh

Máctinô Tạ Đức Thịnh sinh năm 1760[1] tại làng Kẻ Sét, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) trong một gia đình Công giáo. Năm 18 tuổi, gia đình định cho Thịnh kết duyên với một thiếu nữ duyên dáng và đạo hạnh nhưng Thịnh xin hoãn lại để suy nghĩ. Cuối cùng, Thịnh từ chối để xin đi tu đạo. Thầy Thịnh được thụ phong linh mục và làm thư ký cho Giám mục Giacôbê Longer (tên Việt là Gia). Trong thời gian đó, ông đã tháp tùng giám mục đến yết kiến vua Gia Long khi vua về đăng quang tại Thăng Long năm 1803.

Theo sự bổ nhiệm của vị giám mục, Linh mục Tạ Đức Thịnh đã phục vụ tại nhiều giáo xứ như Cửa Bạng, Đồng Chuối, Nam Sang trong vòng hai mươi năm liền. Cuối cùng, khi đã ở tuổi 80, ông phục vụ tại giáo xứ Kẻ Trình. Trải qua các thời vua sau, đạo Công giáo bị bách hại tàn nhẫn. Tổng đốc Trịnh Quang Khanh là một cận thần đắc lực của vua Minh Mạng trong việc bách hại đạo này. Có tài liệu ghi nhận trong vòng ba năm, ông đã cho phá hủy nhiều nhà thờ, tu viện và chủng viện, cho phóng thích một phạm nhân hình sự đang bị giam ở Nam Định để người này đến làng Kẻ Báng do thám giáo dân, báo cho nhà quan để lập công chuộc tội. Khi biết chắc trong làng có ba linh mục, người này liền đi tố giác với quan.

Được tin, vào ngày 30 tháng 5 năm 1840, quan tổng đốc đem quân đến vây làng Kẻ Báng, gọi dân ra đình điểm danh nhằm tìm ra linh mục để bắt. Những ngày đó, linh mục Tạ Đức Thịnh giả điếc nằm trên võng nhà một người tên giáo dân tên Chiền, quân lính đi ngang thấy cụ già nhà quê bệnh tật, nên chẳng nghi ngờ gì để bắt. Nhưng khi nghe tin hai linh mục bạn là Nguyễn Đình Nghi, Nguyễn Ngân đã bị bắt, thì ông cảm thương và không muốn trốn nữa và tự xưng mình là đạo trưởng (linh mục). Sau đó, cả ba linh mục Nghi, Ngân, Thịnh và các giáo dân có liên quan bị bắt chuyển về Nam Định.